4 vấn đề cần lưu ý khi công chứng hợp đồng mua, bán nhà đất

Bàn tay cầm con dấu làm thủ tục công chứng hợp đồng mua, bán nhà đất

Luật Đất đai quy định khi chuyển nhượng đất, tài sản gắn liền với đất các bên phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý điều gì khi công chứng hợp đồng để đảm bảo tính pháp lý tối đa là điều không phải ai cũng biết.

1.  Vì sao hợp đồng mua bán nhà đất phải công chứng?

Luật Công chứng 2014 quy định các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bắt buộc phải công chứng. Hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng sẽ giúp bên mua có đầy đủ cơ sở pháp lý để sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Đây cũng là căn cứ xác minh và giải quyết khi có tranh chấp xảy ra, góp phần hạn chế các yếu tố lừa đảo hay giao dịch “ảo”.

Theo điểm a, Khoản 3, Điều 167 Luật đất đai 2013, có 3 trường hợp hợp đồng liên quan đến nhà đất phải được công chứng hoặc chứng thực gồm:

– Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng nhà, đất phải được công chứng hoặc chứng thực

– Các văn bản về thừa kế quyền sử dụng nhà, đất cũng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của Nhà nước

– Các hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng nhà, đất sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có nhà, đất công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có nhà, đất chứng thực.

Bàn tay cầm con dấu làm thủ tục công chứng hợp đồng mua, bán nhà đất
Công chứng giúp đảm bảo tính pháp lý cho hợp đồng mua bán nhà đất. Ảnh minh họa: Internet

2. Những loại hợp đồng mua bán nhà đất không cần công chứng

Công chứng mua bán nhà đất không bắt buộc trong mọi trường hợp. Theo điểm b, khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai 2013 vẫn có một số loại hợp đồng, giao dịch thực hiện quyền của người sử dụng nhà, đất mà không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, gồm:

– Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng nhà, đất; hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà,đất mà một hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản

Nếu rơi vào 2 trường hợp trên, việc công chứng hoặc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mua bán nhà, đất sẽ được thực hiện nếu các bên có yêu cầu.

3. Nên công chứng hợp đồng mua bán nhà đất ở đâu?

Luật công chứng năm 2014 quy định có thể thực hiện công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng. Cân nhắc các ưu, nhược điểm của việc công chứng hợp đồng tại Phòng công chứng và Văn phòng công chứng sẽ giúp người dân lựa chọn được hình thức phù hợp với nhu cầu của mình:

 

So sánh

 

Phòng công chứng

Văn phòng công chứng

Khái niệm

Cơ quan nhà nước mở ra để phục vụ nhân dân thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực giấy tờ

Tổ chức hành nghề công chứng tư nhân được Pháp luật cho phép, thực hiện và tuân thủ theo các quy định của Nhà nước và Pháp luật đề ra

Ưu điểm

Lệ phí thường thấp hơn

Lệ phí thường cao hơn

Nhược điểm

Yêu cầu nhiều giấy tờ, thủ tục

Thời gian công chứng mất nhiều thời gian chờ đợi

Thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn

4. Trình tự công chứng

Trước khi công chứng, bên mua và bên bán cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm giấy tờ nhân thân, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản… Khi đến văn phòng công chứng, 2 bên sẽ xuất trình các giấy tờ trên cho công chứng viên và trình bày những nội dung như các bên đã thỏa thuận.

Trường hợp người yêu cầu công chứng đã tự soạn thảo hợp đồng mua bán nhà đất thì nộp văn bản đó cho công chứng viên để kiểm tra tính chính xác và hợp pháp. Nếu văn bản đạt yêu cầu, công chứng viên sẽ hướng dẫn các bên ký. Nếu không đạt yêu cầu, công chứng viên sẽ bổ sung, sửa đổi và hẹn các bên thời gian ký văn bản.

Trường hợp người yêu cầu công chứng chưa soạn thảo hợp đồng, công chứng viên sẽ soạn thảo văn bản này và hẹn thời gian ký.

Khi đã có hợp đồng, nếu đồng ý với nội dung thì 2 bên mua và bán sẽ ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên. Người yêu cầu công chứng nộp lệ phí và hợp đồng mua bán nhà đất được đóng dấu của cơ quan Công chứng.

Linh Phương (TH)

>>

>>