Ngành Dệt may phục hồi chậm

Trong gần 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may của tỉnh chỉ đạt hơn 369 triệu USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may, là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, có sự hồi phục chậm nhất sau dịch bệnh Covid-19.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Minh
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 5/6 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai trong quý I-2021, đều đạt mức tăng trưởng từ 2,2-50% là: Giày dép; Sản phẩm gỗ; Xơ sợi dệt; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Riêng ngành Dệt may tăng trưởng âm và các doanh nghiệp (DN) ngành này đang kỳ vọng có sự tăng cao vào 6 tháng cuối năm.

* Đơn hàng chưa dồi dào

Các DN ngành Dệt may ở Đồng Nai cho biết, mặc dù các đơn hàng không còn khan hiếm như năm trước, nhưng cũng chưa dồi dào so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Bởi, sản phẩm dệt may không nằm trong nhóm hàng người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên hàng đầu để mua. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng may mặc nhiều cũng đã giảm số lượng và đơn hàng như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tuy hàng dệt may của Đồng Nai xuất khẩu sang hơn 50 thị trường khác nhau nhưng vẫn tập trung ở Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản nên khi các thị thường này có sự sụt giảm mạnh về tiêu dùng, các DN bị ảnh hưởng rất lớn và mức độ phục hồi chậm hơn.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam cố gắng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 38,9 tỷ USD, bằng năm 2019. Một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra kịch bản cho ngành Dệt may là nếu dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được khống chế tốt vào cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay thì ngành Dệt may thế giới sẽ phục hồi đạt ngưỡng tiêu thụ như năm 2019 vào quý III-2022. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến cuối năm 2021 mới khống chế được thì ngành Dệt may thế giới phải đợi đến cuối năm 2023 mới phục hồi được như thời điểm trước khi xảy ra dịch.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Văn Cẩm cho hay: “Các thị trường truyền thống của ngành Dệt may Việt Nam đang hồi phục và nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến giữa năm và cuối năm 2021, song đơn hàng chưa nhiều. Với thị trường châu Âu, Việt Nam đang có lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, nhưng các DN dệt may chưa khai thác tốt các lợi thế từ thị trường này”.

Cũng theo ông Cẩm, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt hơn 35 tỷ USD, giảm 9,8% so với năm 2019. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp năm 2021, ngành Dệt may có thể đạt 38 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2020, nhưng chưa bằng năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mặc dù các đơn hàng công ty nhận được nhiều hơn so với năm 2020, nhưng chưa được dồi dào như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Do đó, ngoài thị trường truyền thống, công ty đang tiếp tục mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động”.

* Phục hồi chậm hơn so với tốc độ bình quân cả nước

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may cả nước đạt gần 4,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước và trong tháng 3-2021 đã có sự hồi phục tốt hơn so với trước đó. Tại Đồng Nai, mức phục hồi của ngành Dệt may chậm hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Những nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu dệt may giảm sâu là do thiếu các đơn hàng lớn, DN còn khó khăn trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vì thiếu container rỗng. 

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho biết: “DN dệt may đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nên mức phục hồi chậm hơn. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu trong nước có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, các DN vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác nên cũng ảnh hưởng đến sản xuất”.

Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, còn ở Đồng Nai xếp thứ 3 sau giày dép, sản phẩm gỗ. Đây là ngành có lực lượng lao động đông đảo nên mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nặng nề hơn, “sức khỏe” của DN dệt may cũng kém lạc quan hơn nhiều ngành khác. Để ngành Dệt may phục hồi nhanh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đề xuất Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ cho DN để vượt qua khó khăn, sớm hồi phục.

Tại Đồng Nai, những năm gần đây, nhiều DN dệt may đã chuyển đổi dần công nghệ bằng cách đưa nhiều máy móc hiện đại vào sản xuất để giảm lao động, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa đáp ứng các đơn hàng khó, lớn của đối tác nước ngoài. Hiện nay, các DN dệt may Đồng Nai đang nỗ lực tìm thêm đơn hàng ở những thị trường truyền thống và thị trường mới để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

                Khánh Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.