Cần cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 6-5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng 3 Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Định Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã về dự Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, nhằm tìm ra các giải pháp tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: Văn Chính)

Về phía tỉnh Đồng Nai, tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

* Đầu tàu kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Vùng KTTĐ phía Nam có 8 tỉnh, thành gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang…được coi là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, để Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào năm 2020, Bộ Giao thông – vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác bồi thường, tái định cư cho người dân phải thực hiện đúng pháp luật, minh bạch như vậy người dân sẽ đồng tình và ủng hộ.

Năm 2018, tổng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đạt 2.517 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 45% GDP cả nước. Trong đó, GRDP của 4 tỉnh thành là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu chiếm gần 88% GRDP của vùng. Nếu như năm 2016, GRDP bình quân đầu người vùng là 4.812 USD/người, thì năm 2018 đã được nâng lên 5.474 USD/người, cao hơn 2 lần so với trung bình cả nước.

Vùng KTTĐ phía Nam cũng là nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Trong quý I-2019, vùng tiếp tục là nơi có mức tăng trưởng khá, thu hút đầu tư FDI nhiều so với các vùng khác.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, vùng KTTĐ phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước nên phải được ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đầu tàu có mạnh thì mới kéo theo các vùng khác cùng phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay trong vùng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, công nghiệp chưa có những sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Có 35 sản phẩm chủ yếu của vùng thì 28 sản phẩm truyền thống, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công còn cao. Doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng quy mô vốn đăng ký thấp, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị có chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (ảnh: Văn Chính)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Vùng KTTĐ phía Nam đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của cả nước, nhưng vì thực hiện liên kết vùng còn yếu, nên các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng của vùng. Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách khơi thông làm động lực cho tăng trưởng kinh tế vùng.

* Cần cơ chế đặc thù

Theo các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các địa phương, thì hiện vẫn còn thiếu thể chế cho vùng nên tăng trưởng gần đây có dấu hiệu chậm lại. Muốn Vùng KTTĐ phía Nam tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững cần có cơ chế đặc thù rõ ràng để thực hiện.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Để Vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững cần có thể chế chính sách riêng. Hiện nay, tất cả các cơ chế, chính sách vẫn tập trung ở từng tỉnh thành trong vùng, chưa có chính sách cụ thể cho vùng. Vì vậy, muốn vùng không mất đi động lực tăng trưởng, Chính phủ nên đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết rõ ràng cho vùng”.

Cũng theo ông Thiên, trước mắt chưa phê duyệt được thể chế vùng nên phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Việc trao quyền cho các địa phương sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Văn Chính)

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, muốn Vùng KTTĐ phía Nam phát triển mạnh thì phải có thể chế, cơ chế đặc thù trong liên kết vùng. Có như vậy mới tạo sức mạnh chung để phát huy được tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế cần chú trọng đến môi trường, an sinh xã hội.

* Các địa phương đề xuất nhiều vấn đề

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết, để tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng, cũng như của riêng Đồng Nai, tỉnh kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đường vành đai 3,4; tuyến đường sắt đô thị, hệ thống cảng biển; phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất lúa; cho triển khai các dự án BT…

Một số mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Nguồn: Bộ Kế hoạch – đầu tư – Đồ họa: Hải Quân)

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đóng góp của vùng cho GDP cả nước khoảng 45%, nhưng phân bổ ngân sách để tái đầu tư chỉ được khoảng 15%. Điều này chưa hợp lý, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trung ương cần tăng phân bổ ngân sách cho vùng lên gấp 2 lần so với hiện nay mới đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo bước đột phá, tăng trưởng trong phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên vốn làm hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt.

Đại diện các tỉnh khác trong Vùng KTTĐ phía Nam cũng kiến nghị nhiều vấn đề có liên quan đến hạ tầng giao thông, chính sách để kết nối vùng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vùng KTTĐ phía Nam đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước, vì vậy trong thời gian tới Trung ương sẽ có những chính sách đặc thù cho vùng. Trong đó, sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc đang kìm hãm sự phát triển của vùng, tạo thông thoáng để phát huy liên kết vùng.

                                                     Kim Ngân – Hương Giang